• Máy đo huyết áp điện tử có chính xác không

    Hiện nay có rất nhiều phương pháp đo huyết áp, vậy máy đo huyết áp điện tử liệu có chính xác hay đáng tin không ?

    Phương pháp sử dụng ống nghe theo Korotkov và phương pháp bắt mạch. Phương pháp đầu cho kết quả chính xác hơn, tuy nhiên nhân viên y tế phải được huấn luyện kỹ và hơi phức tạp, tốc độ đo chậm, khó áp dụng cho một phòng khám quá đông bệnh nhân như ở Việt Nam hiện nay.

     

    Phương pháp bắt mạch khi đo huyết áp cho kết quả không chính xác bằng, nhưng đơn giản hơn và có thể áp dụng tại những đơn vị y tế đông bệnh nhân, có lẽ đây là phương pháp được sử dụng nhiều nhất hiện nay.

    Dần dần, do các huyết áp kế dạng cột thủy ngân hơi cồng kềnh, không cơ động nên các huyết áp kế đồng hồ ra đời. Các loại huyết áp kế này lúc đầu thì chính xác nhưng khi sử dụng nhiều các lò xo bị giãn nên có sai số. Chính vì vậy, sau một thời gian sử dụng khoảng 3-6 tháng phải mang chỉnh lại tại đơn vị tiêu chuẩn đo lường thì mới có kết quả tốt được.

    Sự ra đời của các loại máy đo huyết áp kế điện tử thực sự là một bước tiến mới cho việc theo dõi và điều trị cácbệnh cao huyết áp và tim mạch tại gia đình và cho mỗi cá nhân, trong khi bệnh nhân cao huyết áp đang là một căn bệnh của thời đại và số tử vong do cao huyết áp, tim mạch và các biến chứng của nó đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở một số nước trên thế giới. Với máy đo huyết áp kế điện tử, bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân có thể theo dõi huyết áp của mình theo yêu cầu của bác sĩ, biết phòng ngừa hay điều trị cấp thời những cơn cao huyết áp có thể dẫn đến tử vong.

    Tuy nhiên, như chúng tôi biết, loại huyết áp kế này chỉ sử dụng cho từng cá nhân, không nên sử dụng cho một tập thể nhiều người và khi đo cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những điều hướng dẫn của nhà sản xuất mới mong có kết quả chính xác được. Trước khi đo huyết áp, bệnh nhân nên nằm nghỉ trong một môi trường yên tĩnh với thời gian từ 10-15 phút. Khi đo, huyết áp kế luôn luôn được đặt ngang ngực với tầm của trái tim và sử dụng tay trái.

    Những bệnh nhân có bất thường về huyết áp ở hai tay phải và trái như trong bệnh hẹp eo động mạch chủ ngực hay bệnh hẹp động mạch chủ từng đoạn Takayasu thì không nên sử dụng loại huyết áp kếnày, mà nên đến đo ở một cơ sở y tế.

    Chỗ đánh dấu có Micro nhỏ phải đặt đúng vị trí của đường đi động mạch như động mạch cánh tay ở khuỷu, động mạch quay ở cổ tay.

    Trong thời gian đo, tay bệnh nhân phải thả lỏng hoàn toàn, không được gồng hay nâng lên hạ xuống. Trong khi đo, nếu máy đo huyết áp báo lỗi hay huyết áp bị nghi ngờ là không chính xác chỉ được đo lại sau 15 phút.

    Khi có những bất thường về huyết áp, nên gọi điện thoại cho bác sĩ gia đình hay bác sĩ quen của bạn để được tư vấn. Không nên tùy tiện sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp, nhất là các loại thuốc hạ huyết áp có tác dụng nhanh như Nefidipin dạng ngậm, đặc biệt là việc nhỏ 3 giọt vào lưỡi như một số nhân viên y tế thường làm - một sai lầm rất hay gặp đối với rất nhiều bệnh nhân cao huyết áp và bệnh tim mạch. Việc hạ huyết áp quá nhanh có thể gây đột tử ở những bệnh nhân có nguy cơ nhồi máu cơ tim hay có thiểu năng tuần hoàn não.

     

    Ngày đăng: 14-04-2016 1,173 lượt xem